Cơ quan chức năng Quảng Trị đang điều tra vụ việc thiếu niên bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu sau tiếng nổ lớn.
Ngày 22/6, bệnh nhân Trần Phi H. (13 t.uổi, trú tại phường 1, TP Đông Hà) vẫn đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị nhận định, vết thương ở mắt của thiếu niên này tiên lượng rất xấu, có nguy cơ sẽ bị mù 2 mắt.
Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo đó, khoảng 15h ngày 21/6, nhiều người dân nghe tiếng nổ phát ra từ nhà em H. (trú tại khu phố 7, phường 1, TP Đông Hà). Khi người dân chạy sang thì thấy em H. bị thương nặng nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngoài ra, một người em khác của H. cũng bị thương nhẹ sau vụ nổ.
Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, em H. nhập viện trong tình trạng bị vỡ nhãn cầu 2 mắt và nhiều đầu ngón tay trên bàn tay trái bị dập nát.
Ngay sau khi vào bệnh viện, đội ngũ bác sĩ đã xử lý cấp cứu, súc rửa lấy dị vật và khâu lại kết giác mạc.
Tuy nhiên, vết thương ở mắt em H. có tiên lượng rất xấu, có khả năng sẽ bị mù 2 mắt.
Được biết, gia đình em H. có thời gian thu mua phế liệu.
Theo lãnh đạo UBND phường 1, TP Đông Hà, cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ nổ và vật phát nổ là gì.
Tăng cường chống nóng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh
Những ngày hè, miền trung nóng như rang, song thầy và trò tại các trường học ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn nhẫn nại đội nắng, đội gió phơn tây nam (gió Lào) đến trường để hoàn thành năm học.
Dù còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng các trường đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp chống nóng, bảo đảm sức khỏe và kết quả học tập tốt nhất cho học sinh (HS).
Học sinh dân tộc thiểu số xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) được thầy, cô giáo gội đầu.
Vất vả đến trường
7 giờ sáng, mặt trời mới nhô lên, nhưng thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã nóng hầm hập. Nơi đây được coi “chảo lửa”, cho nên HS đến lớp trong cái nóng từ sáng sớm đến lúc mặt trời lặn. Điểm trường bản Kè, cách trung tâm xã Lâm Hóa chừng 3 km, được xây dựng vững chãi trên một nền đất rộng, nhưng không có một bóng cây.
Đám cỏ sót lại giữa sân trường cũng héo khô. Nắng nóng là vậy, nhưng thầy, cô, HS tiểu học và trẻ mầm non ở đây vẫn dạy, học bình thường. Trong lớp ghép chung lớp 4 và 5, với 10 em đang học môn Tiếng Việt có ba chiếc quạt chạy hết cỡ mà vẫn hầm hập nóng. Cô giáo Đinh Thị Phương, chủ nhiệm lớp giải thích: “Điểm trường ở đây nắng cả hai phía, cho nên lớp nào cũng phải xếp bàn dồn lại để tránh nóng. Giờ ra chơi, cô và trò đều ở trong lớp chứ không dám bước ra cửa vì nắng nóng, ngột ngạt.
Ở các điểm trường một số xã biên giới của hai huyện Minh Hóa và Bố Trạch (Quảng Bình) còn không có điện, các lớp học lại làm bằng nhà thép t.iền chế, lắp ghép, mái lợp tôn… khiến sức nóng càng tăng. Đã vậy, khe suối mùa này trơ đáy, để có nước phục vụ sinh hoạt cho HS, các giáo viên phải nhọc nhằn đi chở hoặc gùi nước hàng giờ. Cuộc sống, sinh hoạt và công tác giảng dạy ở các điểm trường này rất vất vả do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu.
Dù trời nắng như đổ lửa, nhưng HS ở xã Mò Ó vẫn đến điểm Trường tiểu học và THCS Mò Ó, huyện miền núi Đa Krông (Quảng Trị). Mồ hôi nhễ nhại trên từng khuôn mặt, nhưng khi gặp người lạ giữa sân trường, các em vẫn tươi cười chào khách. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu cho biết, thời tiết quá nắng nóng đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Điểm trường có sáu lớp với hơn 100 học sinh, trong đó có 27 em ở bản Khe Luồi được ở lại trường vào buổi trưa để chiều học tiếp do nhà quá xa. Do thiếu cơ sở vật chất, có lớp phải học trong phòng lợp tôn tạm bợ, hơi nóng hừng hực phả trên đầu. Dù có quạt điện vẫn không thể làm dịu được sự nóng bức của ngày hè.
Huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế) có hơn 6.300 HS đang học tại 28 trường. Cô Võ Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Thượng Lộ, huyện Nam Đông cho biết, do nắng nóng, nhiều trẻ mệt mỏi, ngã bệnh. Để chống nóng cho các cháu, bên cạnh duy trì chế độ dinh dưỡng với nhiều rau xanh, tăng cường khoáng chất, nước uống, trường đã tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để mua được một số quạt điện, lắp hệ thống phun nước trên mái tôn, cây xanh chung quanh để làm dịu không khí.
Nỗ lực chống nóng cho học sinh
Theo lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) các tỉnh Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lịch học bị đẩy lùi, việc dạy và học kéo dài so với các năm, đúng vào thời gian cao điểm của mùa nắng nóng, các trường vừa chủ động chống nóng theo nhiều cách linh hoạt, vừa phải bảo đảm tốt nhất lịch học để không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuối năm.
Trưởng phòng GD và ĐT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) Hoàng Văn Phúc cho biết, UBND huyện đã hỗ trợ một số trường, điểm trường làm thêm mái che, một số xã làm giúp các trường rèm che chắn nắng bằng lưới. Lãnh đạo các trường phối hợp hội cha mẹ HS kêu gọi phụ huynh cho mượn hoặc ủng hộ quạt điện lắp thêm trong lớp, cung cấp thêm nước uống. Phòng cũng chỉ đạo thay đổi lịch học để hạn chế nắng nóng cao điểm buổi trưa; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác y tế học đường để phòng, chống cảm nóng, say nắng cho HS.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa cho biết, buổi sáng nhà trường học sớm hơn 30 phút, buổi chiều đến 15 giờ mới vào học và tan học sau 17 giờ. Cùng với đó, nhà trường xin lãnh đạo huyện Tuyên Hóa hỗ trợ kinh phí mua 42 cái quạt để gắn thêm cho các lớp. Các thầy giáo, cô giáo tự trích một phần lương để mua phim cách nhiệt loại rẻ, dán lên cửa kính phòng học nhằm hạn chế sự bức xạ nhiệt.
Phòng GD và ĐT huyện Đa Krông (Quảng Trị), huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cũng đã thay đổi lịch học và chủ động trang bị thêm quạt tường, nước uống phục vụ cho giáo viên và HS. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Quảng Trị Mai Huy Phương cho biết, để giảm ảnh hưởng do nắng nóng, các nhà trường cần cân nhắc điều kiện của mình không cần thiết phải dạy học hai buổi trong ngày với học sinh tiểu học.
Các trường cần sáng tạo sử dụng cơ sở vật chất, dạy học một buổi sáng trong ngày cũng hoàn thành tốt chương trình. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Thừa Thiên Huế, Nguyễn Tân, đây là một năm khó khăn khi thầy và trò đều phải dạy, học trong mùa hè. Vì thế, ngành đã yêu cầu các trường rà soát cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Đối với cơ sở bán trú, các trường phải chuẩn bị các thiết bị, phương tiện để giảm nhiệt trong phòng học, phòng ăn, nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời luôn quan tâm khâu quản lý các em tại lớp.
Bên cạnh đó, cha mẹ HS rất quan tâm, hỗ trợ chống nóng cho con em mình ở trường. Hội cha mẹ HS phối hợp giáo viên chủ nhiệm mua sắm thêm quạt điện, cung cấp nước uống đầy đủ, HS đi học đều có mang theo nước uống, nước cam, sữa… Hầu hết các trường học đều bố trí phòng y tế và trang thiết bị, sẵn sàng sơ cứu, xử lý những trường hợp say nắng…